Nhảy đến nội dung
x

Tiêu chuẩn, qui trình, hồ sơ đề nghị xét và bổ nhiệm chức vụ chuyên môn của Trường đại học Tôn Đức Thắng

1. Giới thiệu

Trường đại học Tôn Đức Thắng là một trường đại học công lập được thành lập vào năm 1997. Qua 20 năm tham gia đào tạo, nghiên cứu và phát triển, Trường đã bước vào một giai đoạn hội nhập mới. Trường đã và đang hợp tác với 76 trường đại học trên thế giới; thu nhận khoảng 300 sinh viên từ các nước đến học bằng nhiều loại hình khác nhau. Ngoài ra, Trường đã thành lập Quỹ Phát Triển Khoa Học Công Nghệ (FOSTECT) và hơn 54 labo nghiên cứu khoa học và một số labo do các giáo sư hàng đầu trên thế giới lãnh đạo. Năm 2014, Trường đã đăng ký thành công 7 bằng sáng chế do Cục sáng chế và nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO) cấp. Trường cũng được trung tâm đánh giá đại học QS công nhận đạt chuẩn đại học 3 sao/5 sao. Ngày 29/01/2015 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Trường với quyền tự chủ về chuyên môn, hợp tác quốc tế, tài chánh và bổ nhiệm nhân sự.

Để chuẩn bị cho bước phát triển kế tiếp, Trường đại học Tôn Đức Thắng chủ trương tuyển dụng nhân sự xuất sắc trên khắp thế giới về làm công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học tại Trường. Hướng dẫn này được soạn ra để làm nguồn tham khảo cho việc bổ nhiệm và đề bạt các chức vụ chuyên môn (Giáo sư trợ lý, Giáo sư dự bị, Giáo sư thực thụ) của Trường. Đây là những hướng dẫn chung, những tiêu chuẩn tối thiểu mà Trường kỳ vọng một ứng viên phải đạt được trước khi làm Hồ sơ đề nghị xét và bổ nhiệm.

2. Mục tiêu:

Mục tiêu của đề bạt các chức vụ chuyên môn của Trường đại học Tôn Đức Thắng là:

  • Nhận dạng những giảng viên và nhà khoa học có tiềm năng lớn;
  • Ghi nhận và trả thu nhập, chế độ cho ứng viên vì những đóng góp xuất sắc cho giảng dạy, nghiên cứu khoa học, xã hội và Nhà trường;
  • Xây dựng sự nghiệp hàn lâm cho giảng viên và nhà khoa học phù hợp với chuẩn mực quốc tế.

3. Qui trình

Qui trình xét và bổ nhiệm dựa vào bình duyệt (peer review) trong hoạt động khoa học. Hội đồng khoa học của Trường sẽ quản lý và điều hành quá trình bình duyệt.

Bước 1- Bình duyệt: Sau khi nhận được hồ sơ của ứng viên, Hội đồng khoa học sẽ xem xét các tiêu chuẩn tối thiểu và quyết định hồ sơ có nên gửi chuyên gia ngoài bình duyệt. Nếu gửi ra ngoài bình duyệt, Hội đồng sẽ quyết định danh sách các chuyên gia bình duyệt cho từng ứng viên.

Bước 2 - Phỏng vấn: Dựa vào báo cáo bình duyệt của chuyên gia, Hội đồng sẽ xem xét bố trí một buổi phỏng vấn ứng viên. Buổi phỏng vấn sẽ kéo dài khoảng 1 giờ, và là cơ hội để ứng viên trình bày viễn kiến, nguyện vọng, và chương trình làm việc trong tương lai. Hội đồng khoa học sẽ báo cáo cho Hiệu trưởng kết quả bình duyệt và phỏng vấn, và đề nghị quyết định.

Bước 3 - Quyết định: Dựa vào đề nghị của Hội đồng, Hiệu trưởng sẽ xem xét phê chuẩn bổ nhiệm hay đề bạt ứng viên.

4. Ngạch đề bạt

Trường đại học Tôn Đức Thắng ghi nhận cống hiến cho giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Do đó, Trường có hai bộ tiêu chuẩn cho ứng viên chuyên giảng dạy và ứng viên chuyên nghiên cứu khoa học. Ứng viên phải chọn một trong hai ngạch khi đệ đơn.

5. Bậc giáo sư

Ở mỗi ngạch, Trường đại học Tôn Đức Thắng bổ nhiệm hay đề bạt 3 chức vụ:

  • Giáo sư trợ lý (Assistant Professor);
  • Giáo sư dự bị (Associate Professor);
  • Giáo sư thực thụ (Full Professor).

Ngoài ra, Trường còn có một chức vụ Giáo sư xuất sắc (Distinguished Professor) dành cho các nhà khoa học có những đóng góp quan trọng cho chuyên ngành tầm quốc tế, và đóng góp quan trọng cho sự phát triển của Trường đại học Tôn Đức Thắng.

6. Thời gian

Các chức vụ chuyên môn trên sẽ được đánh giá lại sau một thời gian nhất định, tùy chức vụ. Những người giữ các chức vụ chuyên môn nhưng không đạt năng suất khoa học theo yêu cầu sẽ được bãi nhiệm chức vụ, nhưng vẫn có thể tiếp tục công tác tại Trường.

7. Tiêu chuẩn cho ngạch giảng dạy

Các ứng viên chức vụ chuyên môn của Trường đại học Tôn Đức Thắng sẽ được thẩm định theo 4 nhóm tiêu chuẩn chính:

  • Thành tích giảng dạy và đào tạo;
  • Thành tích nghiên cứu khoa học;
  • Đóng góp cho chuyên ngành;
  • Đóng góp cho Việt Nam và Nhà trường.

Riêng các ứng viên chức vụ Giáo sư thực sự (Full Professor) phải chứng tỏ khả năng lãnh đạo chuyên môn, và có đóng góp cho khoa học tương đương với các giáo sư trên thế giới mà ứng viên phải chỉ ra trong hồ sơ đề bạt hay bổ nhiệm.

Tiếng Anh: Tất cả các ứng viên phải có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế: B2 Khung Châu Âu, IELTS: 6.0, TOEFL PBT: 550, TOEFL IBT: 80, TOIEC 700 (còn thời hạn); hoặc vượt qua đợt phỏng vấn bằng tiếng Anh.

7.1 Tiêu chuẩn cho Giáo sư trợ lý

7.1.1 Giảng dạy và đào tạo

  • Giảng dạy đại học, sau đại học 2 năm;
  • Hướng dẫn thành công 2 thạc sĩ.

7.1.2 Thành tích nghiên cứu khoa học

  • Công bố ít nhất 5 bài ISI (3 bài tác giả chính), hoặc 5 bài Scopus (3 bài tác giả chính) đối với khối ngành kinh tế, xã hội.

7.1.3 Đóng góp cho chuyên ngành

  • Không yêu cầu cụ thể, nhưng nếu có đóng góp trong bình duyệt cho các tạp chí khoa học thì càng khuyến khích.

7.1.4 Đóng góp cho Việt Nam và Nhà trường

  • Không yêu cầu cụ thể, nhưng có đóng góp vào việc quản lý khoa hay bộ môn của Trường là một lợi thế.

7.2 Tiêu chuẩn cho Giáo sư dự bị

7.2.1 Giảng dạy và đào tạo

  • Giảng dạy đại học, sau đại học 5 năm;
  • Hướng dẫn thành công 4 thạc sĩ.

7.2.2 Thành tích nghiên cứu khoa học

  • Công bố ít nhất 10 bài ISI (7 bài tác giả chính), hoặc 10 bài Scopus (7 bài tác giả chính) đối với khối ngành kinh tế, xã hội;
  • Chủ trì 1 đề tài nghiên cứu FOSTECT hoặc cấp Sở hoặc cấp Bộ.

7.2.3 Đóng góp cho chuyên ngành

  • Phản biện ít nhất 3 tạp chí ISI hoặc Scopus.

7.2.4 Đóng góp cho Việt Nam và Nhà trường

  • Tham gia quảng bá thương hiệu của Nhà trường;
  • Viết bài hoặc trả lời phỏng vấn chuyên môn trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

7.3 Tiêu chuẩn cho Giáo sư thực thụ

7.3.1 Giảng dạy và đào tạo

  • Giảng dạy đại học, sau đại học 8 năm;
  • Hướng dẫn thành công 2 tiến sĩ.

7.3.2 Thành tích nghiên cứu khoa học

  • Công bố ít nhất 20 bài ISI (14 bài tác giả chính), hoặc 10 bài ISI (7 bài tác giả chính) và 10 bài Scopus (7 bài tác giả chính) đối với khối ngành kinh tế, xã hội;
  • Chủ trì 2 đề tài nghiên cứu FOSTECT hoặc cấp Sở hoặc cấp Bộ;
  • Chủ trì 1 đề tài nghiên cứu cấp quốc gia.

7.3.3 Đóng góp cho chuyên ngành

  • Phản biện ít nhất 5 tạp chí ISI hoặc Scopus;
  • Thành viên hội đồng biên tập của ít nhất 1 tạp chí ISI hoặc Scopus;
  • Thành viên ban chương trình của ít nhất 1 hội thảo khoa học quốc tế;
  • Trưởng bộ môn/nhóm nghiên cứu.

7.3.4 Đóng góp cho Việt Nam và Nhà trường

  • Tham gia quảng bá thương hiệu của Nhà trường;
  • Viết bài hoặc trả lời phỏng vấn chuyên môn trên các phương tiện truyền thông đại chúng;
  • Tư vấn cho ít nhất 1 tập đoàn, doanh nghiệp đa quốc gia hoặc 1 tổ chức quốc tế.

8. Tiêu chuẩn cho ngạch nghiên cứu

Những tiêu chuẩn chung cho ngạch này cũng giống như những tiêu chuẩn chung của ngạch giảng dạy.

8.1 Tiêu chuẩn cho Giáo sư trợ lý

8.1.1 Giảng dạy và đào tạo

  • Giảng ít nhất 2 lớp;
  • Hướng dẫn thành công 2 thạc sĩ.

8.1.2 Thành tích nghiên cứu khoa học

  • Công bố ít nhất 10 bài ISI (7 bài tác giả chính), hoặc 5 bài ISI (3 bài tác giả chính) đối với khối ngành kinh tế, xã hội;
  • H-index (theo Web of Knowledge): 5 (hoặc 3 đối với khối ngành kinh tế, xã hội).

8.1.3 Đóng góp cho chuyên ngành

  • Không yêu cầu cụ thể, nhưng nếu có đóng góp trong bình duyệt cho các tạp chí khoa học thì càng khuyến khích.

8.1.4 Đóng góp cho Việt Nam và Nhà trường

  • Không yêu cầu cụ thể, nhưng có đóng góp vào việc quản lý khoa hay bộ môn của Trường là một lợi thế.

8.2  Tiêu chuẩn cho Giáo sư dự bị

8.2.1  Giảng dạy và đào tạo

  • Giảng ít nhất 3 lớp;
  • Hướng dẫn thành công 2 thạc sĩ và 1 tiến sĩ.

8.2.2 Thành tích nghiên cứu khoa học

  • Công bố ít nhất 20 bài ISI (14 bài tác giả chính), hoặc 10 bài ISI (7 bài tác giả chính) đối với khối ngành kinh tế, xã hội;
  • H-index (theo Web of Knowledge): 10 (hoặc 7 đối với khối ngành kinh tế, xã hội).
  • Chủ trì 1 đề tài nghiên cứu FOSTECT hoặc cấp Sở hoặc cấp Bộ.

8.2.3 Đóng góp cho chuyên ngành

  • Phản biện ít nhất 5 tạp chí ISI hoặc Scopus;
  • Thành viên hội đồng biên tập của ít nhất 1 tạp chí ISI hoặc Scopus;
  • Trưởng bộ môn/nhóm nghiên cứu.

8.2.4 Đóng góp cho Việt Nam và Nhà trường

  • Tham gia quảng bá thương hiệu của nhà trường;
  • Viết bài hoặc trả lời phỏng vấn chuyên môn trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

8.3 Tiêu chuẩn cho Giáo sư thực thụ

8.3.1 Giảng dạy và đào tạo

  • Giảng ít nhất 5 lớp;
  • Hướng dẫn thành công 4 thạc sĩ và 2 tiến sĩ.

8.3.2 Thành tích nghiên cứu khoa học

  • Công bố ít nhất 40 bài ISI (30 bài tác giả chính), hoặc 20 bài ISI (14 bài tác giả chính) đối với khối ngành kinh tế, xã hội;
  • H-index (theo Web of Knowledge): 20 (hoặc 10 đối với khối ngành kinh tế, xã hội);
  • Xuất bản chương sách ISI/Scopus;
  • Chủ trì 2 đề tài nghiên cứu FOSTECT hoặc cấp Sở hoặc cấp Bộ;
  • Chủ trì 1 đề tài nghiên cứu cấp quốc gia.

8.3.3 Đóng góp cho chuyên ngành

  • Phản biện ít nhất 5 tạp chí ISI hoặc Scopus;
  • Thành viên hội đồng biên tập của ít nhất 1 tạp chí ISI hoặc Scopus;
  • Trưởng bộ môn/nhóm nghiên cứu;
  • Chủ tịch chương trình 1 hội thảo khoa học;
  • Ít nhất 1 báo cáo plenary/keynote speaker tại một hội thảo khoa học cấp quốc gia; và  1 báo cáo invited speaker của hội thảo quốc tế.

8.3.4 Đóng góp cho Việt Nam và Nhà trường

  • Tham gia quảng bá thương hiệu của Nhà trường;
  • Viết bài hoặc trả lời phỏng vấn chuyên môn trên các phương tiện truyền thông đại chúng;
  • Tư vấn cho ít nhất 1 tập đoàn, doanh nghiệp đa quốc gia hoặc 1 tổ chức quốc tế.

8.4 Tiêu chuẩn cho Giáo sư xuất sắc

8.4.1 Giảng dạy và đào tạo

  • Hướng dẫn thành công 8 thạc sĩ và 4 tiến sĩ.

8.4.2 Thành tích nghiên cứu khoa học:

  • Là một nhà khoa học hàng đầu trên thế giới, nằm trong top 1% trong chuyên ngành trên thế giới, công bố ít nhất 150 bài ISI (có ít nhất 20 bài thuộc top 1% chuyên ngành);
  • Là chuyên gia hạng 2 theo Tiêu chuẩn xếp hạng chuyên gia của Trường;
  • H-index (theo Web of Knowledge): 40 (hoặc 30 đối với khối ngành kinh tế, xã hội);
  • Xuất bản sách ISI/Scopus;
  • Chủ trì 4 đề tài nghiên cứu FOSTECT hoặc cấp Sở hoặc cấp Bộ;
  • Chủ trì 2 đề tài nghiên cứu cấp quốc gia;
  • Chủ trì 1 đề tài nghiên cứu cấp quốc tế.

8.4.3 Đóng góp cho chuyên ngành: Được công nhận là một nhà khoa học đầu ngành, thể hiện qua:

  • Thành viên hội đồng biên tập của ít nhất 5 tạp chí ISI hoặc Scopus;
  • Trưởng bộ môn/nhóm nghiên cứu;
  • Chủ tịch 1 hội thảo khoa học;
  • Ít nhất 1 báo cáo plenary/keynote speaker tại một hội thảo khoa học cấp quốc gia; và  1 báo cáo invited speaker của hội thảo quốc tế;
  • Là ‘fellow’ của các hiệp hội chuyên ngành;
  • Là visiting/adjunct professor của đại học thuộc tốp 500 thế giới theo THE hoặc ARWU.

8.4.4 Đóng góp cho Việt Nam và Nhà trường

  • Tham gia quảng bá thương hiệu của Nhà trường, tham gia cố vấn cho Nhà trường;
  • Viết bài hoặc trả lời phỏng vấn chuyên môn trên các phương tiện truyền thông đại chúng quốc tế và Việt Nam;
  • Giúp chuyển giao công nghệ cho Việt Nam, đóng góp cho chính sách khoa học của Việt Nam;
  • Tư vấn cho ít nhất 1 tập đoàn, doanh nghiệp đa quốc gia hoặc 1 tổ chức quốc tế.

9. Hồ sơ đề nghị xét và bổ nhiệm

Ứng viên có nhu cầu bổ nhiệm vào các chức vụ trên phải chuẩn bị một hồ sơ, bao gồm các tài liệu sau đây:

  • Lý lịch khoa học;
  • Đơn bổ nhiệm;
  • Bản in của một số công trình khoa học tiêu biểu;
  • Minh chứng về giảng dạy;
  • Minh chứng về phục vụ cho chuyên ngành, Trường và Việt Nam.

9.1 Lý lịch khoa học

Lý lịch khoa học tùy vào cách soạn của ứng viên, nhưng Trường yêu cầu phải có những thông tin sau đây để người thẩm định có thể đánh giá:

  • Thông tin về cá nhân và địa chỉ;
  • Quá trình học vấn: ghi rõ học trường nào, ngành gì, trong thời gian nào, và bằng cấp đạt được;
  • Quá trình công tác: ghi rõ từng thời gian, cơ quan công tác, chức vụ, và nhiệm vụ;
  • Sở trường nghiên cứu: một vài dòng về sở trường và định hướng nghiên cứu chính đang theo đuổi;
  • Hoạt động chuyên ngành: ghi rõ thành viên ban biên tập tạp chí nào, hay chuyên gia bình duyệt cho tạp chí, thời gian phục vụ;
  • Các đề tài nghiên cứu đã chủ trì: trong quá khứ và hiện tại, tên của tổ chức chủ trì, vai trò trong đề tài, kết quả của đề tài;
  • Hợp tác nghiên cứu: ghi rõ hợp tác với ai, ở đâu, về đề tài gì, và trong thời gian nào. Ghi kết quả hợp tác dưới hình thức bài báo hay công trình đăng ký patent;
  • Các giải thưởng đã được trao: ghi rõ tên giải thưởng, tổ chức trao, năm được trao, và lý do được trao giải thưởng;
  • Hội nghị: ghi rõ tham gia hội nghị gì, tên hội nghị, do tổ chức nào đứng ra tổ chức, thời gian, đóng vai trò gì trong hội nghị (thành viên ban tổ chức, được mời giảng, có bài báo cáo, tham dự mà không có báo cáo ...);
  • Danh sách bài báo khoa học: ghi rõ tên tác giả bài báo (tất cả tên tác giả), tiêu đề bài báo, tên tạp chí, năm xuất bản, volume, và số trang. Mỗi bài báo cần kèm theo các thông tin như hệ số tác động (Impact Factor), danh mục ISI hay Scopus, số lần trích dẫn.

9.2 Đơn đề nghị xét và bổ nhiệm

Lưu ý ứng viên không cần dùng từ "Đơn xin" ở đây; ứng viên có thể dùng "Đề nghị bổ nhiệm". Thay vào đó, ứng viên soạn một văn bản tối đa 10 trang để trình bày những thành quả nghiên cứu của ứng viên. Trong Đơn đề nghị xét và bổ nhiệm, ứng viên nên soạn theo cơ cấu sau đây:

  • Tóm tắt: Ứng viên có 500 từ để tóm tắt sự nghiệp khoa học hay giảng dạy của mình.
  • Nghiên cứu khoa học và tác động: Trong phần này, ứng viên mô tả hướng nghiên cứu, năng suất khoa học trong sự nghiệp, đặc biệt chú ý thành tích trong 5 năm qua. Ứng viên nên viết theo từng mảng nghiên cứu, và kèm theo biểu đồ minh hoạ, nếu cần thiết. Ngoài số lượng, ứng viên phải trình bày tác động khoa học của nghiên cứu qua các chỉ số trích dẫn, hệ số tác động của tạp chí, hoặc vị trí của tạp chí trong chuyên ngành. Ngoài ra, ứng viên phải chứng minh tác động về nghiên cứu trong chuyên ngành, ảnh hưởng của nghiên cứu có đem lại lợi ích cho ngành hay cho cộng đồng học thuật và cộng đồng quần chúng.
  • Lãnh đạo: Ứng viên phải trình bày minh chứng cho thấy khả năng độc lập của ứng viên trong nghiên cứu khoa học. Minh chứng có thể là đánh giá của đồng nghiệp, lãnh đạo một labo nghiên cứu, chủ trì đề tài nghiên cứu (principal investigator), được mời giảng trong hội nghị, hay được các tạp chí uy tín mời viết review.
  • Đào tạo (mentorship): Ứng viên phải trình bày minh chứng về hướng dẫn sinh viên cấp đại học, thạc sĩ và tiến sĩ. Các sinh viên thạc sĩ và tiến sĩ tốt nghiệp hiện làm gì, ở đâu.
  • Đóng góp cho chuyên ngành: Ứng viên trình bày những đóng góp cho chuyên ngành như trong lý lịch, nhưng thông tin chi tiết hơn và cụ thể hơn.

9.3 Những công trình tiêu biểu

Trong phần này, ứng viên in ra 3-5 công trình tiêu biểu trong 5 năm qua, và 3-5 công trình tiêu biểu trong sự nghiệp. Mỗi công trình, ứng viên phải trình bày những thông tin sau đây:

  • Hạng của tạp chí trong chuyên ngành;
  • Các chỉ số về tác động như trích dẫn, và tạp chí nào trích dẫn;
  • Vai trò của ứng viên là gì trong công trình nghiên cứu. Chú ý, ứng viên chỉ cần trình bày vai trò như đề xuất ý tưởng, thiết kế thí nghiệm, phân tích dữ liệu, viết bản thảo bài báo, phê chuẩn bài báo trước khi gởi đi, và/hoặc chịu trách nhiệm xã hội về công trình;
  • Ghi rõ tác động trong chuyên ngành và xã hội của công trình nghiên cứu, kèm theo minh chứng cụ thể (nếu cần thiết).

9.4 Minh chứng về giảng dạy

Ứng viên có thể trình bày về các môn học mà ứng viên đã tham gia giảng dạy. Mỗi môn học, ứng viên phải trình bày minh chứng về thiết kế khóa học, số sinh viên tham dự, kết quả học tập, đánh giá của sinh viên.

Trong trường hợp ứng viên tham gia đào tạo cấp thạc sĩ và tiến sĩ, ứng viên trình bày thành quả học tập của mỗi sinh viên. Thông tin quan trọng cho hội đồng là tên của sinh viên, năm học tập, năm tốt nghiệp, nơi đang công tác, kết quả học tập (qua bài báo khoa học hay luận văn), và đóng góp gì cho chuyên ngành.

9.5  Minh chứng về phục vụ

Trong phần này, ứng viên có thể kèm theo những minh chứng về phục vụ cho chuyên ngành, cho Trường, và cho xã hội. Những minh chứng có thể là bản sao trang bìa của hội nghị mà ứng viên góp phần tổ chức, những hội đồng của Trường mà ứng viên tham gia với vai trò thành viên hay chủ toạ, những tư vấn mà ứng viên đã cung cấp cho Nhà nước và doanh nghiệp. Ứng viên cũng có thể trình bày thư hay chứng chỉ ghi nhận đóng góp, bản sao những bài báo trên truyền thông đại chúng, hay những clip truyền hình.