Nhảy đến nội dung
x

Tập san dỏm đang làm vẩn đục khoa học

Tập san khoa học dỏm, tiếng Anh là "predatory journal" (có thể tạm dịch là tập san ăn cướp) là một vấn nạn trong khoa học hiện đại. Trong một bài phân tích mới công bố trên BMC Medicine (1), hai tác giả Phần Lan ước tính rằng mỗi năm những tập san này công bố khoảng 400,000 "bài báo khoa học". Thật khủng khiếp! Với số lượng này, các tập san ăn cướp đủ làm vẩn đục môi trường khoa học.

Tạp chí ăn cướp hay tập san dỏm không dễ nhận dạng và định nghĩa. Những tập san dỏm cũng có những cái tên rất "oách" và có âm hưởng chính thống. Chúng thường nhái tên của những tập san thật, và thêm vào những chữ cổ điển như Annals, Archives, Proceeding, Letters, Journal, v.v. Cách đây mấy vài tháng có một tập san về khoa học xã hội do một nhóm bên Canada xuất bản tôi thì cho là dỏm (vì hội đủ điều kiện), nhưng một anh bạn thì nói là thật (vì nó nằm trong danh sách của ABDC của Úc). Cho đến nay, tôi vẫn nghĩ đó là tập san dỏm, và danh sách ABDC của Úc quả là có vấn đề. Nói chung, những tập san ăn cướp thường có những đặc điểm chính như sau:

• Tên tập san chung chung;
• Không có trong danh mục ISI, Scopus;
• Tổng biên tập không có thành tích khoa học tốt;
• Ban biên tập lôm côm, toàn những người vô danh;
• Bài báo kém chất lượng; tiếng Anh sai nhiều;
• Nhà xuất bản đáng ngờ;
• Có trong danh sách của ông Jeffrey Beall.

Có bao nhiêu tập san ăn cướp? Theo ước tính của hai tác giả, qua dùng hệ thống "Directory of Open Access Journals", hiện nay thế giới có đến 11873 tập san, xuất bản bởi 996 "nhà xuất bản". Trong những nhà xuất bản này, có một nhà xuất bản ấn hành đến 447 tập san. Trong số gần 12000 tập san, có khoảng 8000 vẫn còn tích cực, số còn lại hoặc là không hoạt động, hoặc là không có bài mới thường xuyên. Khoảng 27% những tập san ăn cướp này có trụ sở ở Ấn Độ, kế đến là các nước Á châu khác (12%), Bắc Mĩ (18%), Phi châu (5.5%), và không thể xác định địa điểm (27%).

Nói là "nhà xuất bản" cho oai, chứ trong thực tế chỉ là một văn phòng nhỏ, thậm chí là nhà để xe thôi. Thời đại internet, chỉ cần vài máy tính nối mạng, một người có kĩ năng tốt về software và internet, biết chút tiếng Anh, là có thể mở "nhà xuất bản" trực tuyến. Phần lớn các "nhà xuất bản" trực tuyến ở Tàu, Ấn Độ, Phi châu là thế, nhưng họ rất ma mãnh vì khi gửi email mời tác giả nộp bài báo họ thường lấy địa chỉ văn phòng đâu đó ở Mĩ!

Bao nhiêu bài báo xuất hiện trên các tập san dỏm? Chỉ trong năm 2014, hai tác giả ước tính rằng những tập san dỏm này đã công bố 420,000 bài báo khoa học. Đây là một sự tăng trưởng rất nhanh, vì năm 2010 họ chỉ công bố được 53,000 bài. Khoảng 38% những bài báo thuộc vào nhóm "đa ngành", kế đến là khoảng 23% thuộc vào ngành kĩ thuật (engineering), 17% là những bài liên quan đến y sinh học, 12% là kinh tế và khoa học xã hội.

Thời gian cần thiết để đăng một bài báo dỏm là bao lâu? Theo phân tích của hai tác giả thì thời gian khá ngắn. Tính trung bình, những bài công bố trong năm 2014 có thời gian từ lúc nộp đến công bố trực tuyến là 2.7 tháng. Các tập san có bình duyệt nghiêm chỉnh thì thời gian (nếu bình duyệt êm xuôi) từ lúc nộp đến công bố là 6 tháng đến 12 tháng; nếu bình duyệt khó khăn thì có thể kéo dài đến 2 năm.

Các tác giả dỏm xuất phát từ đâu? Phân bố tác giả của những bài báo này cũng tập trung ở Á châu. Gần 35% tác giả công bố trên các tập san dỏm là từ Ấn Độ. Phần còn lại là 26% từ các nước Á châu khác (ngoài Ấn Độ), Phi châu (16%), Bắc Mĩ (9%), Âu châu (9%).

Chi phí công bố trên những tập san dỏm là bao nhiêu? Chi phí bình quân (mỗi bài báo) tốn từ 178 USD đến gần 800 USD. Nhà xuất bản có nhiều tập san chừng nào thì xu hướng tính phí càng cao. Với ấn phí như thế, hai tác giả ước tính rằng thị trường tập san dỏm trên thế giới có giá trị 74 triệu USD. Còn các tập san Mở thứ thiệt thì có thị trường khoảng 244 triệu USD. Cần nói thêm là thị trường của các tập san in là khoảng 10.5 tỉ USD.

***

Những con số trên đây cho thấy các tập san dỏm đang nở rộ, và gây ô nhiễm môi trường khoa học rất nghiêm trọng. HIện nay, trên thế giới có khoảng 15000 tập san trong danh mục ISI (tạm gọi là "chính thống"), trong khi đó tập san dỏm đã lên đến 8000! Tôi nghĩ vài năm nữa, số tập san dỏm sẽ nhiều hơn số tập san chính thống.

Không chỉ số tập san, mà sự tăng trưởng số bài báo mới đáng ngại. Hiện nay, mỗi năm các tập san nghiêm chỉnh công bố khoảng 1.2-1.5 triệu bài. Nhưng các tập san dỏm công bố đến 420 ngàn bài (tức chiếm gần 1/3 số bài thật) thì quả là đáng lo ngại. Chỉ cần google tìm tài liệu, chúng ta dễ bắt gặp những công trình nghiên cứu trên những tập san có tên quen quen, nhưng chất lượng thì rất thấp. Chẳng hạn như sáng nay, một bạn ở VN gửi cho tôi xem một bài về tiểu đường mà anh ta cố gắng làm theo, nhưng chỉ đọc qua cái tên tập san là tôi biết ngay không phải chính thống, và chất lượng khoa học thì ... ôi thôi. Nhưng đó là người trong ngành, có khả năng thẩm định chất lượng; còn người mới vào ngành học thì rất khó phân biệt được công trình dỏm và công trình thật. Do đó, sự xuất hiện và tăng trưởng của các tập san dỏm là hết sức đáng lo ngại, vì nó sẽ làm trắng đen lẫn lộn và gây ra nhiều nhầm lẫn về thông tin khoa học trong tương lai.

Như tôi nói trên, có khi rất khó phân biệt tập san dỏm và tập san thật. Trong thực tế, có nhiều tập san nằm giữa biên giới thật và dỏm. Những tập san trong miền xám này cũng có ban biên tập đàng hoàng, với một số thành viên có tiếng và một số thành viên lôm côm, cũng có tổng biên tập có thành tích khoa học (nhưng khiêm tốn và ít ai biết đến), và cũng được các nhà xuất bản có tiếng ấn hành. Những tập san này thường theo mô hình Mở, nhưng chưa có trong ISI hay Scopus, và không có nhiều người đăng bài. Điều này dễ hiểu, vì người có tiếng không ai dại gì gửi bài cho tập san dỏm hay chưa có tiếng vì chỉ làm suy giảm uy tín của họ. Ngay cả sinh viên cũng không dám gửi bài đến những tập san đó vì lí lịch của họ sẽ không "sáng", và khó thăng tiến trong tương lai. Thành ra, các tập san đó chỉ công bố những bài đã bị các tập san chính thống từ chối, những bài dỏm hay gần dỏm, và tự họ biến thành những thùng rác khoa học.

Nhưng điều đáng nói là những tập san dỏm này có khả năng thu hút những nhà khoa học thật. Thật vậy, nhìn qua danh sách tác giả trên các tập san dỏm hay đáng ngờ ở bên Ả Rập (Hindawi), Ấn Độ (omics), và Tàu (scirp.org), tôi có thể thấy tên của một số người quen và từng xuất hiện trên các tập san chính thống. Có lần tôi hỏi một anh bạn thân ở Tasmania tại sao anh gửi bài cho một tập san của nhóm Hindawi, thì sau một hồi nói chuyện, anh ấy mới biết đó là tập san trong nhóm predatory! Như vậy chính anh ta cũng không biết và không phân biệt được tập san dỏm và thật. Trường hợp này cũng xảy ra với nhiều nhà khoa học trong nước, vì tôi cũng thấy tên của họ trên những tập san dỏm bên Tàu. Dĩ nhiên, không loại trừ khả năng một số người muốn "đầu quân" bài cho các tập san dỏm, vì không thể công bố trên những tập san chính thống.

Sự có mặt của tập san dỏm có ý nghĩa quan trọng đến các nước đang phát triển như Việt Nam. Đối với những nước có nền khoa học lâu đời và đã định hình, thì giới khoa học dễ dàng phân biệt dỏm với thật, nên các tập san dỏm khó có thể gây tác động lớn. Nhưng với các nước đang phát triển, và áp lực công bố lớn, thì các tập san dỏm là một sự nan giải cho giới quản lí khoa học, vì họ thiếu kĩ năng và kinh nghiệm để phân biệt dỏm và thật. Tôi đã từng đứng ra hoà giải cho một trường hợp ở trong nước: tác giả thì nói tập san là thật và đòi tiền thưởng, còn người quản lí thì nói là tập san dỏm và không cho tiền thưởng, và thế là tôi thành người "trọng tài"!

Do đó, nếu người thiếu kinh nghiệm khoa học mà đọc lí lịch với danh sách bài báo khoa học trên các tập san tiếng Anh, thì làm sao có thể biết bài nào là công bố trên tập san chính thống, và bài nào trên tập san ăn cướp. Không phân biệt được thì dễ bị lường gạt bởi những người làm khoa học dỏm. Trong thực tế tình trạng này đã xảy ra ở Việt Nam, nhưng có lẽ không ai muốn nói ra. Tôi nghĩ đã đến lúc các cơ quan quản lí khoa học đặt điều kiện về công bố quốc tế cho giới khoa học, với những tập san cụ thể cần phải tránh và những tập san được công nhận. Làm được như thế sẽ góp phần giảm tình trạng ô nhiễm khoa học.

(1) http://www.biomedcentral.com/1741-7015/13/230

GS. Nguyễn Văn Tuấn