Nhảy đến nội dung
x

Tiêu chí để nhận dạng tập san khoa học dỏm

Hôm nọ, một người bạn báo cho một tin vui, vì anh mới có một bài báo khoa học vừa được chấp nhận cho công bố. Anh ấy còn kèm theo lá thư chấp nhận, mà trong đó có đoạn [trích nguyên văn, kể cả sai sót về văn phạm và ngữ vựng] "We are Pleased to Inform you that your draft Paper Mentioned above has been Accepted by the International Journal of Engineering and Innovative Technology Editorial Board Committee. […] We reserve the rights to reject your paper if the payment is not done within fewnumbers of days after Date of Acceptance."(Tạm dịch: Chúng tôi hân hạnh báo cho ông biết rằng bản thảo bài báo của ông như đề cập trên đã được hội đồng biên tập chấp nhận cho công bố. […] Chúng tôi có quyền từ chối công bố bài báo nếu ông không trả ấn phí đúng thời hạn, tức sau vài ngày bài báo được chấp nhận).

BMR_Nguyen_Van_Tuan.jpg

Chỉ cần đọc qua lá thư, tôi đã thấy đây rất có thể là một tập san dỏm. Tôi nghĩ rằng đây chỉ là một thương vụ làm tiền đeo mặt nạ tập san khoa học quốc tế. Cảm nhận đó tôi có được vì chẳng có tập san học thuật nghiêm chỉnh nào lại đe doạ tác giả nếu không trả tiền phí thì bài báo sẽ bị từ chối! Tôi đề nghị người bạn nên xem lại, cụ thể là rút lại bản thảo, và không trả tiền.

Anh bạn tôi có lẽ không phải là người duy nhất trở thành nạn nhân của những trò lừa đảo này. Nói chuyện với một anh bạn khác đang làm quản lí khoa học của một đại học lớn ở Sài Gòn thì anh cho biết trường anh cũng đang đau đầu với tình trạng này. Một số giảng viên có lẽ chưa có kinh nghiệm nên gửi bài cho những tập san dỏm, được chấp nhận rất nhanh, và họ yêu cầu trường trả tiền ấn phí + tiền thưởng. Nhưng khi trường kiểm tra thì toàn tập san dỏm hay nghi ngờ là dỏm. Sự việc dẫn đến tranh cãi đáng lẽ không nên có giữa giảng viên và lãnh đạo của trường.

Trong mấy năm gần đây, tình trạng các tập san dỏm mọc lên như nấm. Sự ra đời của mấy "tập san" này là xuất phát từ phong trào Open Access (OA, tức tập san Mở). Nói xuất phát từ OA thì không công bằng, phải nói đúng hơn là: lợi dụng phong trào OA. Nói theo tiếng Việt là "té nước theo mưa". Tập san Mở là một trào lưu rất hay, và tôi ủng hộ các tập san Mở. Nhưng có những thương vụ đội lốt khoa học và OA để làm tiền, bằng cách dựng lên những tập san có dáng dấp hay cái dáng dấp khoa học. Nói thẳng ra, đây là những tập san dỏm, đúng theo nghĩa của nó, tức là không có tính chất học thuật gì cả, mà chỉ là các cơ sở làm tiền. Cái khó khăn là các tập san này càng ngày càng biến hoá như vi khuẩn biến hoá, nên có khi rất khó phân biệt thật và giả. Khó là vì những tập san dỏm và tinh ranh nó xuất hiện như là những tập san thật hay nửa thật nửa giả, làm cho các tác giả chưa am hiểu trong ngành tưởng là thật. Họ có những cái tên rất kêu như InternationalArchives,Proceedings, v.v.

Thật ra, nếu là người trong ngành và am hiểu thì nhận ra ngay tập san dỏm và thật. Nếu các bạn hỏi tôi tập san nào là thật trong chuyên ngành xương khớp hay nội tiết tôi sẽ biết dễ dàng. Chỉ cần đọc tên tập san là đã biết, thậm chí biết cả đẳng cấp của tập san đó trong ngành. Nhưng nếu là người ngoài ngành thì việc nhận dạng và phân biệt dỏm và thật có khi không dễ. Thật ra, người ngoài ngành cũng có thể phân biệt thật giả, nhưng phải tốn thì giờ để tìm hiểu và đối chiếu với các tiêu chí trong cộng đồng khoa học.

Tiêu chí nhận dạng tập san dỏm

Tôi nghĩ đến vài nhóm tiêu chí giúp nhận dạng tập san dỏm: đặc điểm nhà xuất bản, ban biên tập, và các khía cạnh "linh tinh" khác.

Thứ nhất, tập san dỏm thường được xuất bản bởi những "nhà xuất bản" đáng ngờ, như chẳng có danh tiếng, không nằm trong hiệp hội xuất bản nào, không có địa chỉ đất (đường phố và thành phố rõ ràng) mà chỉ là trực tuyến, và thường có địa chỉ ở một nước phương Tây nhưng toàn công bố bài ở các nước đang phát triển. Có những nhà xuất bản có địa chỉ ở những nước như Tàu, Ấn Độ, Ả Rập, Phi châu. Thật ra, nói "nhà xuất bản" là cho oai, chứ trong thực tế, đó chỉ là một cái nhà, căn hộ apartment, hay thậm chí chỉ một cái máy computer nối mạng!

Khía cạnh thứ hai cần chú ý là ban biên tập. Một tập san nghiêm chỉnh thường (không phải tất cả) là do các hiệp hội chuyên môn điều hành hay bảo trợ. Chẳng hạn như tập san Osteoporosis International là do Hội loãng xương quốc tế chủ trương, hay JAMA là của Hiệp hội Y khoa Hoa Kì sáng lập và xuất bản. Do đó, ban biên tập là các thành viên của hiệp hội, và họ chỉ phục vụ theo nhiệm kì. Mỗi nhiệm kì thường 2 năm, nhưng cũng có khi 5 năm. Sau nhiệm kì, ban biên tập có thành viên mới và dĩ nhiên là tổng biên tập mới. Ngược lại, các tập san dỏm thường chẳng có hiệp hội nào bảo trợ cả. Họ cũng có ban biên tập, nhưng thành viên ban biên tập là những người "vô danh", hoặc không có địa chỉ cụ thể, hoặc chưa bao giờ công bố nghiên cứu trên các tập san có uy tín cao. Có tập san dỏm có tổng biên tập cũng là chủ nhà xuất bản! (Bởi vì "nhà xuất bản" chỉ có … 1 người).

Ngoài ra, các tập san dỏm thường có những ngôn từ rất "đao to búa lớn" trong danh xưng, và cố gắng nhái tập san thật. Chẳng hạn như tập san chính thống là Journal of Biological Chemistry thì họ nhái là "Journal of Biological Sciences"! Ngoài ra, tiếng Anh của họ thì rất kém, sai sót về văn phạm và ngữ vựng rất nhiều (như trong lá thư tôi trình bày trong phần đầu của bài viết).

Còn nhiều tín hiệu khác để nhận dạng dỏm, và đã được Jeffrey Beall (thủ thư của Đại học Colorado) liệt kê chi tiết (1). Tôi thấy các tiêu chí này rất có ích nên đã diễn dịch lại trong trang blog cá nhân (2). Ngoài ra, dựa vào các tín hiệu trên, Beall còn liệt kê một danh sách tập san dỏm hay có thể là dỏm (3).

Ý nghĩa

Phân biệt tập san dỏm và thật có ý nghĩa quan trọng. Trước hết là để mình không thành nạn nhân của chúng, những tập san có tên là "predatory journals". Kế đến là giúp cho đồng nghiệp không bị các tập san dỏm lừa gạt và trở thành chuyện tiếu lâm của người khác. Quan trọng hơn, trong bối cảnh Chính phủ có nghị định thưởng cho các nhà khoa học có công bố quốc tế, việc phân biệt tập san dỏm và thật giúp cho giới quản lí thưởng đúng người thay vì thưởng cho những tác giả có bài trên tập san dỏm. Hi vọng những thông tin trong bài này giúp ích các bạn nhận dạng được tập san dỏm và thật.

Đọc thêm và tham khảo:

(1) Trang web đề ra những tiêu chí để nhận dạng tập san dỏm:

http://scholarlyoa.com/2012/11/30/criteria-for-determining-predatory-open-access-publishers-2nd-edition/

(2) http://tuanvannguyen.blogspot.com.au/2014/11/nhan-dang-tap-san-khoa-hoc-dom.html

(3) Trang web này liệt kê danh sách một số tập san dỏm hay có thể là dỏm: http://scholarlyoa.com/individual-journals/

Tiêu chí nhận dạng tập san dỏm

Nhận dạng tập san khoa học dỏm đã trở thành một nhu cầu quan trọng ở VN, vì có nhiều đồng nghiệp đã trở thành nạn nhân của những tập san dỏm. Trước đây, tôi có viết một bài về các "tiêu chí" (hay dấu hiệu) để nhận dạng các tập san dỏm này. Nhưng tôi mới sưu tầm trên mạng một bài viết của JeffreyBeall, đầy đủ hơn bài của tôi, và tôi tóm lược sau đây để các bạn chú ý và sử dụng khi cần để phân biệt dỏm và thật.

Biên tập và nhân sự

  • Chủ nhà xuất bản cũng là tổng biên tập.
  • Không có cá nhân nào được liệt kê là tổng biên tập.
  • Tập san không có ban biên tập hay nhóm chuyên gia bình duyệt.
  • Không có thông tin về nơi công tác (affiliation) của các thành viên trong ban biên tập.
  • Không có chứng cứ cho thấy ban biên tập hay tổng biên tập có chuyên môn hay tư cách chuyên môn để "gác cổng" học thuật.
  • Thành viên trong ban biên tập có tên trong 2 (hay hơn) tập san của cùng nhà xuất bản.
  • Giả tạo danh sách thành viên ban biên tập, tức thành viên ảo, không có ngoài đời. Thỉnh thoảng có tập san đưa tên các nhà khoa học danh tiếng vào ban biên tập nhưng họ không hề hay biết.

Hoạt động: cơ sở xuất bản

  • Thiếu minh bạch trong thương vụ xuất bản.
  • Không có chính sách và qui định về "digital preservation".
  • Phụ thuộc vào ấn phí của tác giả trong việc điều hành nhà xuất bản.
  • Khởi đầu với rất nhiều tập san.
  • Cung cấp không đầy đủ thông tin, hay dấu diếm thông tin, về ấn phí.

Liêm chính

  • Tên của tập san không nhất quán với sứ mệnh của tập san.
  • Tên của tập san không phản ảnh đầy đủ nguồn gốc của nó (ví dụ như tập san với tên “Canadian” hay “Swiss” trong tên chẳng có liên quan gì đến Canada và Thụy Sĩ).
  • Tập san giả mạo rằng có impact factor, hay dùng vài chỉ số chưa được công nhận (như số views).
  • Nhà xuất bản thường gửi spam email đến các nhà khoa học nhờ bình duyệt, và mời nộp bài.
  • Nhà xuất bản nói dối rằng họ có trong danh bạ danh tiếng như ISI và Scopus.
  • Nhà xuất bản không có biện pháp ngăn chặn các hành vi gian lận như đạo văn, tự đạo văn, đạo đức, v.v.
  • Nhà xuất bản yêu cầu tác giả chính đề cử chuyên gia bình duyệt, và sử dụng các chuyên gia đó mà không xem qua thành tích khoa học của họ.

Vài khía cạnh khác: Nhà xuất bản "predatory" có thể:

  • Công bố những bài báo đã được công bố trên các tập san khác mà không hề ghi nguồn.
  • Dùng ngôn ngữ thậm xưng như "leading publisher" dù nhà xuất bản chỉ mới ra đời.
  • Thường có địa chỉ ở các nước như China, Ấn Độ, Phi châu, hoặc có địa chỉ ở một nước phương Tây nhưng công bố bài ở các nước đang phát triển.
  • Không biên tập bài báo, hay biên tập rất tối thiểu.
  • Công bố những bài báo chẳng có gì là học thuật tính, nhưng luận văn phổ thông hay dành cho đại chúng.
  • Có địa chỉ liên lạc "contact us" nhưng chỉ dưới hình thức trực tuyến mà không có địa chỉ email hay địa chỉ bưu điện.

Các cách làm dưới đây có thể xem là chuẩn mực thấp dù chưa hẳn là ở dạng "predatory", nhưng tác giả phải chú ý:

  • Nhà xuất bản sao chép nguyên văn phần hướng dẫn cho tác giả ("authors guidelines") của các nhà xuất bản nổi tiếng khác.
  • Nhà xuất bản cung cấp không đầy đủ thông tin để liên lạc, như không cho biết tổng hành dinh ở đâu.
  • Nhà xuất bản xuất bản những tập san có cái tên rất chung chung (như Journal of Education) để thu hút nhiều bản thảo và để tăng thu nhập.
  • Nhà xuất bản xuất bản nhưng tập san hỗn hợp giữa 2 hay nhiều lĩnh vực (như International Journal of Business, Humanities and Technology).
  • Nhà xuất bản đòi tác giả chuyển nhượng bản quyền và giữ tác quyền về nội dung của tập san. Hoặc tập san đòi tác quyền ngay khi nộp bài báo.
  • Nhà xuất bản không duy trì website tốt, hay website có những đường link bị gãy, sai tiếng Anh, v.v.
  • Nhà xuất bản dùng các hình ảnh từ các website khác một cách bất hợp pháp.
  • Nhà xuất bản gửi nhiều spam email đến các nhà khoa học để tìm tác giả, người bình duyệt, và thành viên ban biên tập.
  • Nhà xuất bản dùng các email có địa chỉ như gmail.com, yahoo.com, hotmail.com, v.v.
  • Nhà xuất bản không có chính sách về Open Access, hay hiểu sai nguyên lí của Open Access.
  • Nhà xuất bản không có chính sách về rút lại bài báo, không có chính sách chỉnh sửa khi bài báo có sai sót.
  • Nhà xuất bản không có số ISSN và DOI.
  • Nhà xuất bản thường dùng những cái tên như Network, Center, Association, Institute, v.v.
  • Nhà xuất bản có quá nhiều quảng cáo trên trang web và gây ảnh hưởng đến việc đọc thông tin trên trang web.
  • Nhà xuất bản không phải là thành viên của hiệp hội nào để dễ kiểm tra.
  • Nhà xuất bản có khi link vào website của các hội nghị nghiêm chỉnh, làm như có liên quan đến các hội đoàn chuyên môn đó.
  • Nhà xuất bản thường hứa công bố nhanh và bình duyệt nhanh.
  • Nhà xuất bản tập trung vào tác giả (chứ không phải độc giả) và ấn phí. Họ không quan tâm đến chất lượng, mà chỉ quan tâm đến tiền.
  • Nhà xuất bản thật ra chỉ là một cá nhân có thể có kinh nghiệm trong kinh doanh, nhưng không có kinh nghiệm gì trong xuất bản khoa học.
  • Nhà xuất bản sao chép tên tập san từ các nhà xuất bản khác.
  • Chẳng ai trong ban biên tập từng công bố trên các tập san trong ISI hay Scopus.

GS. Nguyễn Văn Tuấn