Nhảy đến nội dung
x
Seminar khoa học về “Ứng dụng mô hình cá sọc vằn (zebrafish) trong thử nghiệm sàng lọc thuốc, độc tính của hoá chất và nghiên cứu sinh lý bệnh gan”

Seminar khoa học về “Ứng dụng mô hình cá sọc vằn (zebrafish) trong thử nghiệm sàng lọc thuốc, độc tính của hoá chất và nghiên cứu sinh lý bệnh gan”

Chiều ngày 17/05/2019, Phòng Quản lí Phát triển Khoa học và Công nghệ thuộc Trường đại học Tôn Đức Thắng (TDTU) đã tổ chức seminar khoa học về “Ứng dụng mô hình cá sọc vằn (zebrafish) trong thử nghiệm sàng lọc thuốc, độc tính của hoá chất và nghiên cứu sinh lý bệnh gan” do TS. Phạm Đức Hùng, đang công tác tại Bệnh viện Nhi Cincinnati thuộc Bang Ohio (Mỹ) trình bày.

Thế mạnh của nền Dược học Việt Nam là sự đa dạng của các loại thảo dược. Tuy nhiên việc sử dụng dược liệu để điều trị đa phần còn dựa trên kinh nghiệm chữa trị. Rất nhiều cây thuốc quí có các thành phần hoạt tính chưa được tận dụng tối đa tiềm năng. Mặt khác, việc chế tạo thuốc hoá dược thường tốn thời gian, và các thuốc mới tạo nên thường không vượt qua được thử nghiệm độc tính hoặc dược lý trước khi đi đến pha thử nghiệm lâm sàng. Việc thử tác dụng hoặc độc tính của các thuốc trên mô hình động vật cổ điển như chuột nhắt hoặc chuột cống sẽ rất mất thời gian và chi phí cao.

Cá sọc vằn (Zebrafish), tên khoa học Danio rerio, có thể là lời giải cho các vấn đề nói trên. Cá sọc vằn hiện đang nổi lên trong giới khoa học là một mô hình nghiên cứu về di truyền học, độc tính và sàng lọc thuốc một cách hiệu quả và tiết kiệm. Các ưu thế của mô hình cá sọc vằn khi so sánh với mô hình truyền thống bao gồm khả năng sinh sản cao, cá con (ấu trùng) kích thước nhỏ có thể nuôi trong đĩa 96-giếng hay 384-giếng (thích hợp cho sàng lọc hiệu năng cao), có bộ gene tương thích cao với gene người, và sự phát triển ngoài tử cung của cá con (tạo điều kiện quan sát đánh giá tác dụng thuốc hoặc độc tính dễ dàng).

TS. Phạm Đức Hùng, tốt nghiệp tiến sĩ tại Đại học Leuven (Vương quốc Bỉ) năm 2016. TS Hùng từng thực tập ở đại học Harvard (Mỹ). Hiện nay TS. Hùng đang công tác tại Bệnh viện Nhi Cincinnati (hiện đang là bệnh viện lớn thứ 2 toàn nước Mỹ). Anh đã có hơn 10 năm kinh nghiệm trong các nghiên cứu sử dụng cá sọc vằn và chuột để khảo sát độc tính, dược tính và bệnh học về gan.

TS. Hùng là tác giả của hơn 10 bài báo quốc tế (ISI) với 1 số công bố trên các tạp chí hàng đầu trong chuyên ngành như: Journal of Hepatology (IF= 15), Proceedings of the National Academy of Sciences (IF = 9.5), và Frontier in Immunology (IF=5.5).

Buổi seminar thu hút sự quan tâm và tham dự của các nghiên cứu viên, cùng giảng viên và sinh viên Trường tham dự. Đây là hoạt đông khoa học thường xuyên tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng nhằm chia xẻ, giới thiệu những kết quả nghiên cứu mới của các nhà khoa học, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học tại Trường.

Hình ảnh của buổi seminar:

TS. Phạm Đức Hùng trình bày tại seminar

 

TS. Phạm Đức Hùng chụp ảnh lưu niệm với các nghiên cứu viên, cùng giảng viên và sinh viên Trường tham dự seminar
TS. Phạm Đức Hùng chụp ảnh lưu niệm với các nghiên cứu viên, cùng giảng viên và sinh viên Trường tham dự seminar