Nhảy đến nội dung
x
Hưởng ứng kỷ niệm Ngày sở hữu trí tuệ thế giới 26/4 với chủ đề năm 2020 “Đổi mới sáng tạo vì một tương lai xanh”

Hưởng ứng kỷ niệm Ngày sở hữu trí tuệ thế giới 26/4 với chủ đề năm 2020 “Đổi mới sáng tạo vì một tương lai xanh”

Từ năm 2000, Tổ chức Sở hữu Trí tuệ thế giới (WIPO) lựa chọn lấy ngày 26/4 hàng năm là Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (IP Day) nhằm tri ân, tôn vinh các nhà sáng tạo, đồng thời truyền thông nâng cao nhận thức về vai trò của sở hữu trí tuệ trong cuộc sống hàng ngày. Từ đó, IP Day trở thành ngày mà mọi người trên thế giới cùng nhau tìm hiểu và cổ vũ cho những đóng góp từ sự đổi mới sáng tạo đối với sự phát triển chung của các quốc gia. Mỗi năm sẽ có một thông điệp hoặc chủ đề được WIPO đưa ra chào mừng ngày Sở hữu trí tuệ thế giới.

Năm 2020, IP Day lấy việc đổi mới sáng tạo xanh là trung tâm của những nỗ lực tạo ra một tương lai xanh. Tại sao? Bởi vì những thay đổi chúng ta đưa ra hôm nay sẽ định hình tương lai của chúng ta mai sau.

WIPO-IP Day

Hiện nay, thế giới và Việt Nam đang chứng kiến những sự thay đổi vượt bậc trong thời đại công nghệ số của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) và tầm ảnh hưởng sâu rộng của khoa học công nghệ đến đời sống con người. Những sự phát triển này đã và đang tác động toàn diện đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội của các quốc gia. Bản chất của CMCN 4.0 chính là sự ứng dụng công nghệ, khoa học dữ liệu và sử dụng trí tuệ nhân tạo phục vụ sản xuất, cuộc sống con người. CMCN 4.0 đem lại nhiều điều kiện thuận lợi, giúp con người khám phá nhiều tri thức mới, nâng cao quy mô và chất lượng nền kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức buộc người lao động, các nhà hoạch định chiến lược phải thay đổi cho phù hợp. Trong sự tác động ấy, giáo dục hiện đại, đặc biệt là giáo dục đại học là lĩnh vực chịu sự tác động lớn nhất.

Việt Nam là quốc gia có sự phát triển mạnh mẽ nguồn lực internet, việc truy cập internet hiện nay trở nên rất thông dụng đối với mọi người, trong môi trường giáo dục đại học thì đây là điều kiện rất thuận lợi cho sinh viên (SV) có thể dễ dàng tìm kiếm những tri thức, kiến thức dưới sự hướng dẫn của giảng viên (GV). Hơn nữa, ngoài nguồn kiến thức vô cùng rộng lớn đó, SV có thể tiếp cận được những tài liệu bằng tiếng nước ngoài để có những góc nhìn sâu sắc, đa chiều về vấn đề tiếp cận. Xu thế của cách mạng công nghệ hiện nay đòi hỏi SV phải là người chủ động, tích cực học tập và rèn luyện bản thân. Việc quản lí của GV đối với SV không còn bị gò bó, thậm chí GV chỉ là người hướng dẫn, định hướng việc học tập của SV. Phương pháp học tập của SV đã trở nên chủ động, linh hoạt hơn, các em có thể học ở bất cứ đâu và bất cứ khi nào. Bên cạnh đó, nhờ sự tiến bộ của hệ thống internet và lượng dữ liệu khổng lồ, giúp GV tiếp cận được nhiều tài liệu trong và ngoài nước, phục vụ tốt việc xây dựng bài giảng, giúp nội dung học tập của SV cũng được thay đổi, không còn gò bó, khép kín trong đề cương môn học nặng về lí thuyết; được bổ sung, hoàn thiện và luôn luôn đổi mới, đáp ứng được sự thay đổi về tri thức khoa học trên thế giới và ở Việt Nam; việc dạy học E - learning, cùng với các công cụ hỗ trợ cho giảng dạy đã giúp GV tự tin hơn trong truyền đạt những kiến thức này.

Có thể thấy trong những năm qua, các trường đại học và viện nghiên cứu của Việt Nam đã tích lũy được năng lực, đóng góp nhiều cho sự phát triển khoa học và công nghệ của đất nước. Các công bố quốc tế, đặc biệt các bài báo trên tạp chí ISI cũng đã tăng nhanh.

Với mục tiêu trở thành một đại học nghiên cứu, tại Đại học Tôn Đức Thắng (TDTU), ngoài công tác đào tạo, giảng dạy thì hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) được xem là nhiệm vụ chính. Nhà trường luôn xác định NCKH là một nhiệm vụ hàng đầu để nâng cao chất lượng đào tạo, tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao cho xã hội.

Cùng với định hướng và nỗ lực không ngừng của TDTU trong thời gian qua, năm 2019, TDTU được tổ chức xếp hạng đại học ARWU (Academic Ranking of World Universities - một trong những hệ thống xếp hạng đại học uy tín và khắt khe nhất hiện nay) xếp vào Top 1000 đại học hàng đầu thế giới. Mới đây, tháng 02/2020, TDTU là đại diện duy nhất của Việt Nam lọt vào Top 10 đại học nghiên cứu hàng đầu ASEAN. Theo Cơ sở dữ liệu Web of Science (Clarivate, Mỹ), năm 2019 (tính đến 31/12/2019), TDTU đã công bố 2.130 bài trên ISI. Nhà trường luôn duy trì đều đặn suốt 5 năm qua tốc độ phát triển về số lượng công bố quốc tế trên ISI, năm sau gấp đôi năm trước.

Hoạt động NCKH của Trường được duy trì thường xuyên, đều đặn và được xem là một trong những tiêu chí xét thi đua cuối năm của cá nhân, đơn vị. Ngoài ra, để hỗ trợ phát triển NCKH, Trường còn có các hoạt động như: tổ chức các buổi báo cáo khoa học, seminar, tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm công bố quốc tế, hay các khóa đào tạo về phương pháp NCKH và trang bị kỹ năng cho việc công bố NCKH trên các tạp chí, hội thảo quốc tế.

Cuộc CMCN 4.0 đã, đang và sẽ tiếp tục tạo ra những biến động mạnh mẽ, ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống - xã hội trong thế kỷ XXI. Với làn sóng ứng dụng công nghệ 4.0 vào các hoạt động của xã hội đang bùng nổ và đem lại hiệu quả to lớn, lợi thế cạnh tranh lớn nhất không phải tài nguyên, công nghệ mà là con người. Trong làn sóng đó, giáo dục đại học cũng đang dần đổi mới từ một nền giáo dục nặng về trang bị kiến thức cho người học sang nền giáo dục giúp phát triển kỹ năng, thúc đẩy tư duy đổi mới sáng tạo. Được biết đến là đại học có cơ sở vật chất hiện đại bậc nhất Việt Nam cùng với mục tiêu trở thành đại học nghiên cứu TOP 500 các đại học tốt nhất thế giới, TDTU là nơi trang bị kiến thức cho SV để phát huy năng lực sáng tạo phát triển bản thân, thỏa sức học tập, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phụng sự cho đất nước.